Hoạt động trải nghiệm, thăm quan các di tích lịch sử địa phương cho trẻ mầm non.
Nằm trong chuỗi hoạt động của nhà trường về chủ đề quê hương đất nước, tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa địa phương, Trường Mầm non xã Vĩnh Lại đã tổ chức buổi ngoại khóa thăm quan và trải nghiệm cho các bé tại Di tích lịch sử Quốc gia Đền Lời và Đền thờ Trạng Nguyên Vũ Duệ.


Tại Di tích lịch sử Quốc gia Đền Lời, sau khi dâng hương, hoa, cô và trò nhà trường đã thăm quan di tích và được nghe các cụ trong Ban quản lý Đền giới thiệu về lịch sử của Đền Lời cùng một số cổ vật quý giá còn lưu giữ tại đây. Đền Lời được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, thời Hậu Lê, thờ Ngũ Đạo Tướng Quân, Tản Viên Sơn Thánh và các tướng lĩnh thời Hùng Vương, những người có công giúp Vua Hùng dẹp giặc, giữ yên bờ cõi, được nhân dân tôn thờ và phong là Hộ Quốc Tế Công. Trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đền Lời còn là nơi hoạt động bí mật của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Năm 2004, Đền Lời được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Bé Nguyễn An Nhiên, học sinh lớp 5 tuổi
Bé Nguyễn An Nhiên, học sinh lớp 5 tuổi, hào hứng chia sẻ: “Con rất vui vì hôm nay được nhà trường cho đi thăm quan trải nghiệm để con được biết thêm về các di tích lịch sử của quê hương mình”.


Đến thăm và thắp hương tại Đền thờ Trạng Nguyên Vũ Duệ, các bé và cô giáo được nghe về gia đình, thân thế, sự nghiệp, cuộc đời và thời đại của Trạng Nguyên Vũ Duệ sinh ra và lớn lên. Trạng nguyên Vũ Duệ thửa nhỏ tên là Vũ Nghĩa Chi, ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cha mẹ không có tiền cho đi học nên hàng ngày cậu bé Nghĩa Chi vừa trông em, vừa phải lo bếp núc trong nhà. Gần nhà lúc đó có một lớp học, Nghĩa Chi thường bế theo em tới đứng ngoài cửa sổ để nghe thầy đồ giảng bài. Thấy có một cậu bé ngày nào cũng tới đứng “học lỏm” ngoài sân, thầy bèn gọi cậu vào và hỏi cậu một câu đố hóc búa mà cả lớp không ai giải được. Cậu bé Nghĩa Chi khi đó vừa bế em, vừa dõng dạc trả lời câu hỏi của thầy. Thầy đồ và cả lớp khi đó đều thán phục, kinh ngạc nhìn cậu. Sau một hồi trò chuyện, thầy mới biết Nghĩa Chi nhà nghèo nhưng có tấm lòng hiếu học. Cảm động, thầy nói với Nghĩa Chi. Cái tên Vũ Nghĩa Chi của con tuy là hay, nhưng chưa xứng với tài năng của con, nay thầy đổi tên cho con thành Vũ Duệ (có nghĩa là thông minh, sâu sắc) con có đồng ý không. Nghĩa Chi mừng rỡ cảm ơn bái lạy thầy rồi bế em ra về. Sau này, càng lớn Vũ Duệ càng thông minh hơn người, Năm 22 tuổi, Vũ Duệ thi đỗ Trạng nguyên dưới triều Lê Thánh Tông (1490). Nhờ tính cương trực, Vũ Duệ được vua phong làm Đô Ngự Sử. Sau này khi nhà Mạc cướp ngôi vua, Vũ Duệ trung thành với nhà Lê, đến lạy lăng mộ các vua Lê ở Lam Sơn rồi đeo ấn ngự sử nhảy xuống Cửa bể Thần Phù (Thanh Hóa) tự trẫm ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (1522). Sáu mươi năm sau, nhà Lê dựng lại được cơ nghiệp, vua Lê Huyền Tông cho lập Đền thờ Vũ Duệ, xếp ông đứng đầu trong số 13 công thần tử tiết, phong Thượng Đẳng Phúc Thần. Các đời nhà Lê, nhà Nguyễn sau này đều xét công trạng và ban sắc phong biểu dương uy linh tử tiết của Trạng nguyên Vũ Duệ, tạc bia đá đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.

Ông Hoàng Văn Trung, khu 11, xã Vĩnh Lại
Ông Hoàng Văn Trung, khu 11, xã Vĩnh Lại, nhận xét: “Đây là một hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa, giúp giáo dục truyền thống hiếu học của Trạng Nguyên Vũ Duệ cho các em học sinh, đồng thời giúp các em hiểu thêm về các di tích lịch sử văn hóa và truyền thống quê hương Vĩnh Lại”.
Thời gian qua, bên cạnh việc chăm sóc và giáo dục trẻ trong nhà trường, Trường Mầm non Vĩnh Lại luôn chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, học hỏi của trẻ, giúp các em củng cố và mở rộng vốn hiểu biết, rèn luyện kỹ năng sống, tính tự lập, tinh thần tập thể và ý thức tự bảo vệ bản thân. Đồng thời, thông qua các hoạt động nhằm còn khơi dậy tính sáng tạo, tinh thần tích cực học tập và đoàn kết trong các bé.

Cô giáo Đào Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Lại
Cô giáo Đào Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Lại, chia sẻ: “Hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử trên địa bàn là một phần trong chương trình giáo dục của nhà trường. Qua đó, giúp cho các con hiểu thêm về các di tích lịch sử nơi mình sinh sống, từ đó bồi đắp niềm tự hào, lòng yêu quê hương, đất nước và tinh thần trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại”.
Thông qua hoạt động trải nghiệm tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, nhà trường đã tạo ra sân chơi bổ ích, giúp trẻ hiểu biết thêm về tên gọi, địa điểm và ý nghĩa của các di tích lịch sử của địa phương. Đồng thời, hoạt động cũng tạo cơ hội cho trẻ được tiếp xúc, trải nghiệm thực tế, rèn luyện sự mạnh dạn, tự tin và các kỹ năng sống cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh./.
Hồng Vân