Báo cáo kết quả công tác chuyển đổi số năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Công tác chỉ đạo, ban hành văn bản
Trong năm 2022, UBND huyện đã ban hành gần 250 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện như: Kế hoạch 40/KH-UBND, ngày 28/2/2022 Xây dựng Chính quyền điện tử năm 2022; Kế hoạch 121/KH-UBND, ngày 20/6/2022 thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hệ thống cổng và trang thông tin điện tử các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện Lâm Thao giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch 86/KH-UBND, ngày 05/10/2022 về nâng cao hoạt động dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch 194/KH-UBND, ngày 26/10/2022 phát triển hạ tầng số huyện Lâm Thao đến năm 2025; Kế hoạch 199/KH-UBND, ngày 31/10/2022 Kế hoạch truyền thông về chuyển đổi số trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025; Kế hoạch 110/KH-UBND, ngày 19/4/2022 về chỉnh trang, làm gọn các tuyến cột, cáp điện lực, cáp viễn thông năm 2022; Quyết định số 1806/QĐ- UBND, ngày 29/3/2022 của UBND huyện Lâm Thao về việc thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Lâm Thao; Quyết định số 01/QĐ- BCĐ, ngày 31/5/2022 của Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Lâm Thao; Ban hành văn bản chỉ đạo thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng ở cơ sở, các khu dân cư : Văn bản số 504/UBND-VHTT ngày 13//4/2022 về việc triển khai Tổ Công nghệ số Cộng đồng trên địa bàn huyện; Văn bản số 472/UBND-VHTT ngày 7/4/2022 về việc đẩy mạnh tuyên truyền về công tác cải cách hành chính năm 2022… đến các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn nhằm tăng cường quản lý công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của huyện (có biểu chi tiết gửi kèm).
Thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Lâm Thao theo chỉ đạo của UBND tỉnh với 155 thành viên (trong đó cấp huyện: 15 thành viên; cấp xã: 140 thành viên); Chỉ đọa các xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của địa phương và thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở các khu dân cư . Toàn huyện hiện có 156 tổ (trong đó: có 5 tổ cấp xã: Xuân Lũng, Tứ Xã, Sơn Vi, Phùng Nguyên, thị trấn Hùng Sơn và 151 tổ ở khu dân cư) với 727 thành viên.
2. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu cụ thể
100% lãnh đạo UBND cấp xã trở lên sử dụng thành thạo chữ ký số và các phần mềm công nghệ thông tin dùng chung liên thông 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện đến cấp tỉnh, cấp xã được ký số thay thế văn bản giấy (trừ văn bản thuộc phạm vi bí mật nhà nước và văn bản khó số hóa). Trên 75% văn bản, tài liệu thông thường trình kỳ họp UBND huyện của các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử. (Đạt).
Tổng số hồ sơ giải quyết TTHC cấp huyện năm 2022 được xử lý trên môi trường mạng/ tổng số TTHC thực tế tiếp nhận là 6.322/7.052 đạt tỷ lệ 89,64% (vượt chỉ tiêu 4,64%); cấp xã, thị trấn 11.086/12.493 đạt tỉ lệ 88,73% (vượt chỉ tiêu 3,73%). Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt 80% (Đạt chỉ tiêu).
100% UBND các xã, thị trấn có máy Scan văn bản. 98,4% cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn và 100% cấp huyện được trang bị máy tính làm việc (vượt chỉ tiêu 28,4%). 90% máy tính cấp huyện và cấp xã được cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền (Chỉ tiêu 100%).
100% UBND xã, thị trấn hoàn thành việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của UBND cấp xã. 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” của các xã, thị trấn đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định (Đạt).
100% hạ tầng mạng nội bộ từ UBND cấp xã trở lên được chuẩn hóa, đảm bảo an toàn thông tin tối thiểu, đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng. Hạ tầng CNTT, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung được hoàn thiện, kết nối, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử (Đạt chỉ tiêu).
75% nghiệp vụ chuyên môn, chuyên ngành của cơ quan nhà nước được ứng dụng công nghệ thông tin, như: quản lý giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội... (Đạt).
Đảm bảo triển khai cung cấp các dịch vụ hành chính công của huyện theo hình thức trực tuyến đạt 100% kế hoạch của tỉnh đề ra (Đạt).
Duy trì, nâng cấp ổn định hệ thống phòng họp trực tuyến từ huyện đến cấp xã, thị trấn trên địa bàn (Đạt).
Cổng thông tin điện tử huyện được xây dựng đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của Nhà nước, Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, tích hợp các kênh thông tin hỗ trợ người dân và doanh nghiệp dễ dàng giao tiếp với cơ quan nhà nước thông qua môi trường điện tử (Đạt).
3. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp
3.1. Nâng cấp và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải
quyết TTHC; quan tâm nâng cấp, bổ sung trang thiết bị CNTT tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện và cấp xã. Trong năm UBND các xã, thị trấn đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị và đưa vào vận hành Bộ phận một cửa hiện đại với số tiền 6.665.000.000 đồng.
Hệ thống mạng số liệu chuyên dùng đã được triển khai đến 12/12 xã, thị trấn trên địa bàn; các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn đã có mạng LAN, có kết nối internet băng thông rộng; các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn đã đầu tư kinh phí chi sửa chữa, nâng cấp: hệ thống mạng LAN, Máy tính làm việc cho cán bộ; hiện 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã được trang bị máy tính để làm việc.
Tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến của huyện. Đầu tư mua sắm trang thiết bị đảm bảo kết nối thông suốt từ tỉnh về huyện và xã, thị trấn, đáp ứng nhu cầu họp trực tuyến giữa cơ quan nhà nước cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã (Máy tính, màn hình, camera). Trong năm, huyện đã chủ trì và tiếp đường truyền tổ chức 24 hội nghị trực tuyến (trong đó huyện tổ chức 14 hội nghị trực tuyến đến xã, thị trấn).
Tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn huyện; trong năm UBND huyện ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 20/6/2022 của UBND huyện thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hệ thống cổng và trang thông tin điện tử các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện Lâm Thao giai đoạn 2022-2025; Hướng dẫn 1600/HD-UBND, ngày 26/10/2022 về công tác quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin cấp huyện và thông tin cơ sở... Huyện bố trí 500 triệu đồng xây dựng Cổng thông tin điện tử huyện Lâm Thao và Trang thông tin điện tử của các xã, thị trấn; Hoàn thành 12/12 đài truyền thanh thông minh xã, trị trấn ; 151/151 khu dân cư trong huyện có hệ thống loa thường xuyên hoạt động.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của việc sử dụng tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VneID trong việc thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến; tính đến ngày 22/11/2022 toàn huyện kích hoạt 49.493/96.626 tài khoản định danh điện tử (mức độ 1 + mức độ 2), trong đó có 19.898/12.014 tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được kích hoạt đạt 245,48% - vượt chỉ tiêu đề ra).
Phối hợp với các đơn vị xây dựng và phát triển hạ tầng số huyện Lâm Thao đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đẩy mạnh nhiệm vụ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Tính đến ngày 22/11/2022, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các Công ty điện lực Lâm Thao, các doanh nghiệp viễn thông thực hiện chỉnh trang, làm gọn hệ thống cột, cáp treo trên địa bàn được 17.970 mét (đạt 31,1% so với Kế hoạch 100/KH- UBND ngày 19/4/2022 đề ra).
3.2. Ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan Nhà nước
Bộ phận một cửa liên thông từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng, nâng cấp, bố trí đầy đủ các trang thiết bị và cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chuyên môn và phục vụ nhân dân; 100% các xã, thị trấn đã đầu tư trang bị, trong đó có: 36 máy tính, 20 máy in, 16 máy Scan, 3/12 đơn vị đã có máy photo kết hợp chức năng Scan ( xã Xuân Lũng, Tứ Xã, Hùng Sơn). Kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh và Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia đảm bảo theo yêu cầu. Trang bị phần mềm chuyên ngành kế toán, bảo hiểm, thuế; Phần mềm đo vẽ bản đồ địa chính MicroStationSE; Phần mềm quản lý và đăng ký hộ tịch điện tử; Phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ công chức; Phần mềm quản lý cung cầu lao động, quản lý trẻ em…
Duy trì triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử tích hợp Chữ ký số liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện đến cấp tỉnh và cấp xã, thị trấn và đến các cơ sở trường học đảm bảo an toàn thông tin trong gửi, nhận văn bản điện tử. 100% các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường mạng. 100% văn bản đi, đến được tiếp nhận và phát hành trên phần mềm quản lý văn bản điều hành Ioffice, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 24/11/2022, UBND huyện Lâm Thao đã thực hiện tiếp nhận và xử lý 4.918 văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của HĐND&UBND tỉnh, Huyện ủy, HĐND huyện chuyển đến; ban hành trên hệ thống Ioffcie 1.965 văn bản.
Rà soát đề nghị cấp mới, thay đổi thông tin và thu hồi 80 chữ ký số của cá nhân (cấp mới 52; thay đổi thông tin: 21; thay đổi mật khẩu: 6; thu hồi: 01).
Thiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ về công tác quản lý, kết quả hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cấp xã, thị trấn và cấp huyện qua phần mềm quản lý thông tin cơ sở tại địa chỉ: https://qlttcs.mic.gov.vn.
3.3. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp
UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành và việc triển khai đến các cơ quan chuyên môn có TTHC, UBND các xã, thị trấn. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị có TTHC đều đã thành thạo và thực hiện cập nhật xử lý các bước trong giải quyết TTHC trên hệ thống một cửa điện tử tỉnh Phú Thọ. Công tác tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ bưu chính công ích tiếp tục được triển khai thực hiện.
Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 theo yêu cầu của Chính phủ và thực tế tại địa phương. Trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến tỉnh Phú Thọ, hiện nay UBND huyện Lâm Thao đã triển khai và thực. Theo thống kê trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến tỉnh, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 28/11/2022, UBND huyện đã tiếp nhận và giải quyết 14124 hồ sơ. Trong đó, 220 hồ sơ từ năm 2021 chuyển sang; số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến là 11396 đạt tỷ lệ 80,69%; 99 hồ sơ quá hạn (5,1%). UBND các xã, thị trấn đã tiếp nhận và giải quyết 22.490 hồ sơ; Trong đó, số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến là 9.751 hồ sơ đạt tỷ lệ: 43,36 %, 47 hồ sơ quá hạn (1,2%).
Hoàn thành nâng cấp Trang TTĐT huyện lên Cổng TTĐT và thành lập Trang thông tin điện tử các xã, thị trấn. Hướng dẫn, đôn đốc Cổng/ Trang TTĐT duy trì hoạt động hiệu quả, đảm bảo theo quy định của Nhà nước, Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, tích hợp các kênh thông tin hỗ trợ người dân và doanh nghiệp dễ dàng giao tiếp với cơ quan nhà nước thông qua môi trường điện tử. Trong năm 2022 (số liệu tính đến ngày 23/11/2022) Cổng TTĐT huyện đã đăng tải khoảng 1.000 tin, bài, hàng trăm hình ảnh, tài liệu, cùng nhiều lượt văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền huyện; công tác chuyển đổi số; công khai các các quy hoạch, dự án được phê duyệt, triển khai trên địa bàn huyện. Qua đó kịp thời phản ánh các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.
3.4. Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng
Công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin được quan tâm. Việc cập nhật các kiến thức về đảm bảo an toàn an ninh thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin đã được đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện thường xuyên; các cơ quan, đơn vị đã ban hành quy định, quy chế về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với hệ thống thông tin tại cơ quan, đơn vị.
Đẩy mạnh triển khai chữ ký số, chứng thực số trong các giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp; Triển khai giải pháp an toàn dữ liệu và phòng, chống virus mạng máy tính của các cơ quan, đơn vị...đến nay, 100% cán bộ công chức, viên chức thuộc các cơ quan UBND huyện, UBND 12 xã, thị trấn đã được trang bị hòm thư điện tử công vụ; 90% cán bộ công chức, viên chức cấp huyện, 80% cán bộ công chức, viên chức cấp xã biết sử dụng hòm thư công vụ. 100% các máy tính được cài đặt phần mềm diệt viur (trừ máy tính soạn thảo văn bản mật và làm công tác kế toán).
3.5. Đào tạo nguồn nhân lực CNTT
Cấp huyện và cơ sở thực hiện phân công và duy trì cơ bản ổn định đội ngũ cán bộ phụ trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị. 100% xã, thị trấn phân công lãnh đạo UBND phụ trách công tác xây dựng chính quyền điện tử và công chức Văn phòng - Thống kê là cán bộ phụ trách công nghệ thông tin. Cán bộ, công chức các xã, thị trấn cơ bản biết sử dụng máy tính và có chứng chỉ tin học, được tập huấn về sử dụng phầm mềm quản lý văn bản và điều hành Ioffice.
UBND huyện ban hành Quyết định cử 34 cán bộ lãnh đạo (chủ tịch, các phó chủ tịch) UBND các xã, thị trấn tham gia chương trình bồi dưỡng chuyển đổi số cho lãnh đạo UBND các xã thị trấn (từ ngày 9/9/2022-15/10/2022). Kết quả, 100% đã được cấp chứng chỉ chương trình.
Chủ trì và phối hợp với các cơ quan tổ chức 06 hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật về chuyển đổi số cho lãnh đạo, công chức theo dõi, giải quyết thủ tục hành chính của các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, Công chức chuyên trách thực hiện việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ tại bộ phận một của thuộc Văn phòng HĐND&UBND huyện, BHXH huyện, Công an huyện và lãnh đạo công chức trực tiếp theo dõi việc tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các xã, thị trấn và Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử huyện; Tổ giúp việc Ban biên tập Cổng Thông tin điện tử huyện; Bộ phận quản trị kỹ thuật và Ban biên tập trang thông tin điện tử của các xã, thị trấn (trong đó: 03 hội nghị trực tuyến và 03 hội nghị trực tiếp do huyện chủ trì)[1].
3.6. Kinh phí chi thực hiện chuyển đổi số
Toàn huyện đã chi: 17.512.432.000 đồng, Cụ thể:
- Xây dựng cổng thông tin điện tử huyện, các trang thông tin điện tử các xã, thị trấn là 500.000.000 đồng
- Chi đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị (đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa) Đài truyền thanh xã , thị trấn là 4.712 triệu đồng.
- Chi đầu tư mới và sửa chữa trang thiết bị CNTT, phần mềm diệt Virut: 421.470.000 đồng.
- Chi đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho nhà làm việc của Bộ phận 1 cửa (xã Xuân Lũng, Sơn Vy, thị trấn Hùng Sơn...): 6.931.000.000 đồng
- Chi hoạt động Trang thông tin điện tử cấp huyện: 90.000.000 đồng.
- Chi phụ cấp, thù lao cho cán bộ đài cấp xã, thị trấn: Được hưởng 50% (mức 0,7 x 1.490.000 đồng/tháng/người) theo quy định cán bộ không chuyên trách và các khoản kiêm nhiệm: 175.000.000 đồng.
- Chi hoạt động hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí, các đơn vị truyền thông: 52.000.000 đồng.
2.2. Nguồn kinh phí
- Từ ngân sách huyện: 5.598.481.000 đồng.
- Từ ngân sách xã, thị trấn: 11.913.951.000 đồng.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Ưu điểm
Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, Chính quyền từ tỉnh đến huyện và cơ sở. Trong đó, huyện đã quan tâm đầu tư bố trí đa dạng nguồn kinh phí để xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ từ huyện tới cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác tuyên truyền, quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận thông tin nhanh chóng, chính xác, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác về kinh tế - xã hội.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn huyện được đầu tư và phát triển, mạng viễn thông, mạng internet cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, trên 90% cán bộ, công chức thực hiện việc tiếp nhận và xử lý công việc qua phần mềm quản lý văn bản điện tử Ioffice đảm bảo theo tiến độ, thời gian quy định.
Trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác, chủ động ứng dụng CNTT trong công việc góp phần hỗ trợ tốt công tác xử lý nghiệp vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị đã có sự quan tâm đến việc chỉ đạo ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ gắn với CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, thay đổi thói quen làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, tiết kiệm chi phí và thời gian, công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.
2. Tồn tại, hạn chế
Hạ tầng kỹ thuật CNTT ở một số cấp xã chưa đồng bộ; việc triển khai các giải pháp bảo mật, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tại một số cơ quan đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; Tỷ lệ máy tính được trang bị phần mềm diệt viruts chưa đảm bảo quy định.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng chưa cao. Một số địa phương chưa cập nhật đầy đủ thông tin về tiếp nhận, xử lý và trả kết quả TTHC trên cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử: chưa thực hiện việc đính kèm văn bản kết quả giải quyết TTHC có kí số trên hệ thống dịch vụ công để hoàn thành việc giải quyết TTHC theo quy định; chưa thực hiện việc thay đổi thông tin cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận 1 cửa khi thay đổi, luân chuyên cán bộ dẫn đến hồ sơ bị chậm, muộn; không tiến hành nhập đầy đủ hồ sơ TTHC vào Cổng dịch vụ công của tỉnh ngay sau khi tiếp nhận.
Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thực hiện gửi hồ sơ, nhận kết quả trực tuyến còn thấp, chưa đồng đều; việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích chưa cao.
Hoạt động của Trang thông tin điện tử các xã, thị trấn chưa đạt so với yêu cầu đề ra; một số mục trên giao diện không có nội dung hoặc nội dung còn ít; việc phối hợp cung cấp tin bài của các cơ quan, đơn vị còn hạn chế.
3. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế
Một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong quá trình triển khai, thực hiện thực hiện các nội dung theo bộ tiêu chí đánh giá mức độ xây dựng chính quyền điện tử. Kinh phí dành cho đầu tư hạ tầng CNTT, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, công tác chuyển đổi số chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế.
Công tác chỉ đạo, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử chưa đồng đều.
Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ công còn hạn chế; chậm thay đổi thói quen đến trực tiếp các cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính; còn e ngại mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, do đó hiệu quả dịch vụ công trực tuyến chưa cao.
Trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức mới đáp ứng ở mức cơ bản vì vậy còn hạn chế trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin.
Trang thông tin điện tử các xã, thị trấn mới đi vào hoạt động; cán bộ được phân công quản trị đều kiêm nhiệm do đó chưa thông thạo trong công tác vận hành Trang theo quy định.
III. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2023
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về chuyển đổi số; chú trọng xây dựng văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa thực hiện có kết quả các chỉ tiêu văn bản chỉ đạo của tỉnh, của huyện tại đơn vị: Kế hoạch 405/KH-UBND, ngày 30/3/2021 triển khai thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 20/6/2022 của UBND huyện thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hệ thống cổng và trang thông tin điện tử các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện Lâm Thao giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch 186/KH- UBND, ngày 05/10/2022 của UBND huyện về nâng cao hoạt động dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện Lâm Thao giai đoạn 2022-2025…
2. Chỉ đạo, đôn đốc Một cửa cấp huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận hồ sơ của người dân gửi về cấp tỉnh, cấp huyện qua hệ thống Bưu chính công ích và thực hiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt.
3. Chỉ đạo 100% UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy.
4. Chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động cân đối, bố trí kinh phí, xây dựng dự toán để thực hiện các nhiệm vụ cho đầu tư, chi thường xuyên ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (nhất là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả) tại đơn vị. Đẩy mạnh chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính quyền điện tử.
5. Tăng cường hiệu quả sử dụng hệ thống hội nghị trực tuyến trên địa bàn huyện.
6. Tiếp tục chỉ đạo hoạt động của Cổng Thông tin điện tử, hệ thống Đài truyền thanh thông minh đảm bảo các quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
7. Phối hợp sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tổ chức các hội nghị tập huấn công tác chuyển đổi số, số hóa hồ sơ TTHC.
8. Tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các đơn vị quản lý điện, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng, viễn thông thực hiện chỉnh trang, làm gọn, hạ ngầm mạng cáp treo viễn thông trên địa bàn với các hình thức chỉnh trang, làm gọn phù hợp bảo đảm an toàn, đẹp, gọn đúng với tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, xã Nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh.
9. Tổ chức đánh giá, chấm điểm việc thực hiện các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với UBND các xã, thị trấn.
[1]Hội nghị trực tuyến (do tỉnh tổ chức): 02 Hội nghị tập huấn hướng dẫn trực tiếp triển khai phần mềm dịch vụ công trực tuyến và một số nội dung; 01 hội nghị tập huấn cho tổ công nghệ số cộng đồng các xã, thị trấn.
03 Hội nghị trực tiếp do huyện chủ trì: 02 hội nghị cho Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử huyện; Tổ giúp việc Ban biên tập Cổng Thông tin điện tử huyện, Bộ phận quản trị kỹ thuật và Ban biên tập trang thông tin điện tử của các xã, thị trấn và 01 hội nghị tập huấn cho tổ công nghệ số cộng đồng các xã, thị trấn.
Báo cáo tổng kết công tac chuyen doi so nam 2022.pdf