Báo cao kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và kế hoạch đầu tư công năm 2023
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2022
1. Công tác chỉ đạo, điều hành
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm tăng cường công tác quản lý đầu tư công trên địa bàn huyện; chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 ngay từ đầu năm. UBND huyện đã ban hành Văn bản số 1479/UBND-TCKH ngày 04/10/2022 về việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về đầu tư, xây dựng năm 2022 trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, UBND huyện đã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện, để kịp thời nắm bắt tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án.
Tập trung chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Hoàn thành công tác GPMB đối với 12 dự án, trong đó 03 dự án trọng điểm, gồm: (1) Xây dựng hạ tầng khu Đồng Giang, TT. Hùng Sơn; (2) Khu dân cư nông thôn mới xã Tứ Xã (Giai đoạn 02); (3) Hạ tầng kỹ thuật đấu giá QSD đất khu đồng Nhà Vác, TT. Lâm Thao (Giai đoạn 01).
Công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình được tăng cường; qua thanh tra, kiểm tra chất lượng công trình đã kịp thời chấn chỉnh các hoạt động về xây dựng cho các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, nhà thầu xây lắp; các hành vi vi phạm được xử lý kịp thời, đúng quy định.
2. Công tác phân bổ, giao vốn kế hoạch năm 2022
Căn cứ Quyết định số 3189/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 về việc giao dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2022; Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND huyện về phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2022.
Trên cơ sở danh mục, mức vốn được giao năm 2022 (kể cả nguồn vốn kéo dài). Chủ tịch UBND huyện đã ban hành các quyết định giao chi tiết các nguồn vốn đầu tư công cho các chủ đầu tư, chủ dự án; cụ thể như sau:
Tổng số vốn kế hoạch năm 2022 được giao 427.070 triệu đồng, trong đó:
- Kế hoạch vốn kéo dài năm trước chuyển sang 15.566 triệu đồng;
- Kế hoạch vốn giao trong năm 411.505 triệu đồng, trong đó:
+ Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương 403.552 triệu đồng, trong đó: ngân sách cấp tỉnh 65.700 triệu đồng; ngân sách cấp huyện 83.444 triệu đồng; ngân sách cấp xã 254.408 triệu đồng.
+ Vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 7.953 triệu đồng.
3. Kết quả thực hiện giải ngân các dự án đầu tư công
Tổng số vốn đã thực hiện giải ngân đến ngày 28/11/2022: 334.441/427.070 triệu đồng, bằng 78,3% kế hoạch (Ước thực hiện cả năm đạt 100%), trong đó:
- Ngân sách cấp tỉnh 59.931/67.700 triệu đồng, đạt 88,5% kế hoạch;
- Ngân sách cấp huyện 87.782/91.144 triệu đồng, đạt 96,3% kế hoạch;
- Ngân sách cấp xã 185.927/260.273 triệu đồng, đạt 71,5% kế hoạch;
- Vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 801/7.152 triệu đồng, đạt 10,1% kế hoạch
4. Tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản
Tính đến 28/11/2022, tổng số nợ dự án hoàn thành quyết toán và dự án bố trí vốn còn thiếu so với giá trị khối lượng thực hiện (đã được nghiệm thu A-B, chưa được bố trí đủ vốn) 92.630 triệu đồng.
5. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; dự án; thiết kế kỹ thuật, dự toán đảm bảo quy trình, quy định, đáp ứng yêu cầu, khả năng cân đối nguồn vốn. Công tác đấu thầu được thực hiện đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu về tiến độ gói thầu và chất lượng công trình. Công tác quản lý chất lượng công trình được tăng cường; qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh các hoạt động về xây dựng cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu xây lắp; các hành vi vi phạm được xử lý kịp thời, đúng quy định. Năm 2022, đã thẩm định, phê duyệt 47 dự án đầu tư xây dựng, với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Thẩm tra, phê duyệt quyết toán 08 dự án hoàn thành, giá trị quyết toán được duyệt 28,8 tỷ đồng
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Ưu điểm
- Công tác chỉ đạo, triển khai phân bổ kế hoạch đầu tư công được triển khai kịp thời, đúng quy định của Luật Đầu tư công và hướng dẫn thi hành. Vốn bố trí cơ bản tập trung, ưu tiên bố trí các hoàn thành quyết toán, công trình chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm kế hoạch;
- Việc triển khai các thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân thanh toán được chú trọng; các chủ đầu tư đã bám sát yêu cầu, chủ động đôn đốc các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ để thanh toán khối lượng hoàn thành. KBNN huyện đã đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao (bình quân đạt 78,3% kế hoạch).
- Công tác quản lý nhà nước về đầu tư công được chú trọng, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; dự án; thiết kế kỹ thuật, dự toán đảm bảo quy trình, quy định, đáp ứng yêu cầu, khả năng cân đối nguồn vốn; công tác đấu thầu được thực hiện đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu về tiến độ gói thầu và chất lượng công trình.
- Các chủ đầu tư đã chủ động phối hợp với các phòng ban, đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đảm bảo tiến độ thực hiện.
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Việc chấp hành các quy định của Luật Đầu tư công, việc chỉ đạo điều hành của một số địa phương chưa đầy đủ. Công tác lập hồ sơ, trình duyệt quyết toán dự án hoàn thành của một số chủ đầu tư còn chậm; việc bố trí vốn thanh toán nợ XDCB còn hạn chế; vốn bố trí cho một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ thi công. Công tác bồi thường, GPMB tuy đã được tập trung chỉ đạo, song vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa được các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định.
Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là: Công tác kiểm tra, giám sát các dự án của một số chủ đầu tư chưa thường xuyên; tính quyết liệt, trách nhiệm trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa cao; công tác phối hợp, giải quyết các vấn đề liên quan còn chậm, đặc biệt là xử lý vướng mắc đến bồi thường, giải phóng mặt bằng. Việc giao kế hoạch chi tiết nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn chậm.
III. KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2023
1. Nguyên tắc, bố trí vốn kế hoạch
Việc bố trí các nguồn vốn đầu tư từ NSNN phải phù hợp với khả năng huy động và cân đối nguồn vốn đầu tư của các cấp ngân sách năm 2023 và đảm bảo việc điều hành linh hoạt để thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách huyện giai đoạn 2021-2025, cụ thể:
- Bố trí vốn còn thiếu so với giá trị khối lượng thực hiện chưa được bố trí đủ vốn; các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2022.
- Bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2023 và các công trình chuyển tiếp theo quy định về thời gian bố trí vốn;
- Các nội dung, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch; chi phí bồi thường GPMB, xây dựng hạ tầng đấu giá đất; công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính;
- Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án theo thứ tự ưu tiên mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư.
2. Phương án phân bổ vốn kế hoạch năm 2023
Tổng vốn kế hoạch phân bổ 226.358 triệu đồng (vốn đầu tư tập trung ngân sách tỉnh 54.000 triệu đồng, vốn đầu tư phát triển các lĩnh vực sự nghiệp 52.358 triệu đồng, tiền sử dụng đất ngân sách huyện 120.000 triệu đồng), trong đó:
- Phân bổ cho các dự án hoàn thành: 86.758 triệu đồng.
- Phân bổ cho các dự án chuyển tiếp: 139.600 triệu đồng.
(Chi tiết số liệu theo biểu đính kèm)
3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
a) Tập trung chỉ đạo quyết liệt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công
Tổ chức triển khai giao kế hoạch vốn chi tiết ngay sau khi có quyết định giao kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh, Nghị quyết của HĐND huyện để các địa phương, các chủ đầu tư thực hiện ngay từ đầu năm. Căn cứ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được giao, khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thường xuyên rà soát, đôn đốc thực hiện, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn trước ngày 31/12/2023.
Tăng cường kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán và hoàn ứng theo quy định.
b) Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng
Tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình chấp hành các quyết định của cơ quan nhà nước về thu hồi đất để thực hiện dự án. Công khai các chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Nhà nước, nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất để nhân dân biết và thực hiện. Các cấp, các ngành, các chủ đầu tư, các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề còn vướng mắc trong công tác GPMB, xây dựng kế hoạch cụ thể của từng dự án nhằm đảm bảo bàn giao mặt bằng cho các dự án đúng tiến độ.
c) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng
Thực hiện công tác rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực; đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, đảm bảo phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Thực hiện chặt chẽ việc lâp, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án đầu tư công; tuyệt đối không được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư khi không xác định rõ được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả; làm tốt công tác lựa chọn, khảo sát, lập dự án, thực hiện dự án, đưa công trình vào khai thác sử dụng đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
d) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công
Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư nhằm tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; Đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước cần phải đảm bảo bố trí tập trung, hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải. Tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công, xác định trách nhiệm trả nợ của từng cấp ngân sách theo lộ trình; chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng công trình theo kế hoạch vốn được giao, không phát sinh thêm nợ XDCB.
Rà soát các vị trí đã được lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để cấp, đấu giá quyền sử dụng đất nhằm khai thác có hiệu quả nguồn thu từ quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng địa phương. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn lực đầu tư trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao...
đ) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư. Tăng cường vai trò giám sát của HĐND, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng đối với hoạt động đầu tư xây dựng. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát về chấp hành quy định của pháp luật trong đầu tư XDCB, chú trọng kiểm tra chất lượng và hiệu quả công trình; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về quản lý đầu tư xây dựng.
Trên đây là Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và kế hoạch đầu tư công năm 2023. UBND huyện trân trọng báo cáo./.
Bao cao ket qua thuc hien dau tu cong 2022_kh nam 2023.pdf
kq thuc hien dau tu cong nam 2022_kh nam 2023.pdf