Huyện Lâm Thao – một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, là huyện Anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng với sự phát triển của tỉnh, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, hiếu học, văn hóa và cách mạng của Nhân dân Lâm Thao được giữ gìn, phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt, từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, những truyền thống quý báu đó tiếp tục được phát huy mạnh mẽ.


Huyện Lâm Thao đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân
Năm 1940, Chi bộ Cao Mại - Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Lâm Thao ra đời đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng huyện nhà. Sáu năm sau, ngày 12/7/1946, Đảng bộ huyện chính thức được thành lập, đưa Lâm Thao trở thành một trong những huyện đầu tiên của tỉnh Phú Thọ sớm xây dựng được tổ chức Đảng Cộng sản. Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ huyện đã khẳng định vai trò là hạt nhân nòng cốt trong lãnh đạo phong trào cách mạng, xây dựng và củng cố chính quyền ở địa phương. Từ đây, công tác xây dựng Đảng ở huyện Lâm Thao đã có bước phát triển mạnh mẽ, là cơ sở quan trọng cho sự phát triển và trưởng thành của Đảng bộ huyện Lâm Thao những năm sau này.

Huyện Lâm Thao đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân huyện Lâm Thao đã động viên hàng vạn người con ưu tú tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Đảng bộ, Nhân dân Lâm Thao đã động viên và tiễn đưa hàng nghìn người con ưu tú của quê hương lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những cống hiến to lớn đó của Đảng bộ và Nhân dân Lâm Thao được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Đảng bộ huyện, cùng các xã: Tiên Kiên, Tứ Xã, Vĩnh Lại được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân; 6 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vụ trang; 1.149 liệt sĩ; 871 thương binh; 143 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng; hàng nghìn tập thể và cá nhân được tặng, phong tặng huân, huy chương các hạng.
Năm 1977, Lâm Thao, Phù Ninh hợp nhất thành huyện Phong Châu. Sau 22 năm hợp nhất, các Đảng bộ cơ sở và Nhân dân Phong Châu đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống, từng bước thực hiện công cuộc đổi mới và đã có những chuyển biến tích cực. Ngày 01/9/1999, huyện Lâm Thao chính thức được tái lập, đánh dấu một sự kiện quan trọng của lịch sử huyện nhà.

Huyện đón nhận Danh hiệu huyện đạt chuẩn Nông thôn mới
76 năm qua, nhất là từ khi tái lập, Đảng bộ, quân và dân Lâm Thao đã chung sức, đồng lòng, anh dũng chiến đấu và sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng quê hương vững mạnh về mọi mặt. Kinh tế, xã hội của huyện phát triển nhanh và tương đối toàn diện; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân 6,2 %/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: giảm tỷ trọng ngành nông – lâm- thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - thương mại.






Đầu tư kết cấu hạ tầng được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cần đi trước một bước. Huyện đã huy động được hàng ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu về giao thông, thủy lợi, các cơ quan hành chính, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở… Chỉ tính riêng giai đoạn 2015 - 2021, tổng nguồn vốn huy động cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt gần 3.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư của doanh nghiệp, tư nhân chiếm trên 30%.


Lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, khu dân cư NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh đạt nhiều thành tựu. Huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông tủy lợi nội đồng. Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đạt 96%, tăng 24,5% so với năm 2015; huyện cơ bản hoàn thiện hạ tầng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất rau an toàn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, bình quân thu nhập đạt trên 155 triệu đồng/ha (tăng 45 triệu đồng so với năm 2015).



Chương trình xây dựng NTM nâng cao, khu dân cư NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh tiếp tục được chỉ đạo thực hiện. Ngay sau khi cán đích huyện NTM năm 2015, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp trong huyện duy trì và nâng chất các tiêu chí, hướng đến xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Lâm Thao dự kiến cần nguồn kinh phí khoảng 408 tỷ đồng, trong đó, huyện sẽ tập trung nguồn lực đầu tư để phấn đấu có 02 xã là Cao Xá và Sơn Vi đạt xã NTM nâng cao và 16 khu dân cư đạt NTM kiểu mẫu trong năm 2022.
Sản xuất CN-TTCN từng bước được phụ hồi sau đại dịch Covid-19, nhiều sản phẩm ổn định và có sức cạnh tranh trên thị trường. Công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, cụm công nghiệp Hợp Hải- Kinh Kệ, cụm công nghiệp làng nghề Sơn Vi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động và đóng góp cho ngân sách huyện. Dịch vụ, thương mại phát triển mạnh, đến nay toàn huyện có trên 300 doanh nghiệp hoạt động, hàng năm nộp cho NSNN trên 45 tỷ đồng.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh; quy mô, mạng lưới trường lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa; đến nay, toàn huyện có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia (trong đó 22 trường MN, tiểu học, THCS đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2); 100% giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn.


Hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thông, thể dục, thể thao có nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động " Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" phát triển sâu rộng.


Công tác y tế - dân số, lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm có nhiều tiến bộ; cơ sở vật chất phục vụ cho khám chữa bệnh được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 1,27%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, thực hiện các chính sách an sinh xã hội được chú trọng.
Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nắm chắc và dự báo chính xác tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, có nhiều điểm sáng về an ninh nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thường xuyên được chăm lo và đạt được nhiều kết quả tích cực. BTV Huyện ủy và cấp ủy các cấp tiếp tục chỉ đạo đi vào chiều sâu các chủ trương, giải pháp, cách làm mới về công tác xây dựng Đảng đã được đề ra trong những năm đầu nhiệm kỳ, được thực tiễn khẳng định là sáng tạo, hiệu quả, góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với sinh hoạt chuyên đề thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thành tựu đáng tự hào mà Đảng bộ và Nhân dân Lâm Thao giành được trong suốt 76 năm qua là minh chứng sinh động nhất, rõ ràng nhất về tình đoàn kết, sự năng động, sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Giữ gìn và phát huy những thành quả đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân huyện Lâm Thao và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kế hoạch năm 2022 và cả nhiệm kỳ 2020-2025 mà Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXX đã đề ra.



Nguyễn Quang Anh - TUV, Bí thư Huyện ủy Lâm Thao