Lãnh đạo huyện thăm, kiểm tra một số Di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn
Đồng chí Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Quang Anh cùng đoàn công tác vừa đi thăm, kiểm tra một số Di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng trên địa bàn huyện đang xuống cấp. Cùng đi có đồng chí Bùi Hoài Giang – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; lãnh đạo các phòng Nội vụ, Văn hoá & Thông tin và Văn phòng Huyện uỷ.


Đồng chí Bí thư Huyện uỷ cùng đoàn công tác đã tới thăm, kiểm tra hiện trạng đình Lâm Nghĩa, đình Bình Chính và chùa Vĩnh Ninh tại thị trấn Lâm Thao; thăm, kiểm tra hiện trạng đình Bản Nguyên tại xã Bản Nguyên. Trong các di tích tới thăm có 02 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia là đình Bình Chính và chùa Vĩnh Ninh ở thị trấn Lâm Thao. Theo ghi chép, đình Bình Chính được xây dựng vào thời Hậu Lê, triều vua Lê Hiển Tông 1776, tới nay đình còn lưu giữ nhiều cổ vật giá trị như mâm đồng, ống hương gốm, ngai thờ, hoành phi “đức kỳ thinh mỹ” và 25 đạo sắc phong triều Lê, Nguyễn. Đối với chùa Vĩnh Ninh, là công trình có kiến trúc tôn giáo thờ Phật theo phái Đại Thừa, chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII, thời Hậu Lê và được nhiều lần trùng tu lớn vào thời Nguyễn. chùa được xây dựng với hệ thống 4 toà nhà khép kín, Toà Tam Bảo có kết cấu kiểu chữ Khẩu gồm Toà Bái đường, tả, hữu hành lang và toà Chính điện,… Các di tích đình Lâm Nghĩa và đình Bản Nguyên được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.




Qua nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo và thăm quan thực tế, đồng chí Bí thư Huyện uỷ yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và kịp thời tham mưu UBND huyện để có hướng tôn tạo, tu bổ trong thời gian sớm nhất. Thời gian tới UBND huyện và HĐND huyện cũng cần nghiên cứu, cân đối, bố trí 1 phần ngân sách cho công tác trùng tu, tôn tạo và tu bổ các di tích lịch sử văn hoá. Đồng thời, đồng chí Bí thư Huyện uỷ yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác quản lý hoạt động tại các di tích, có biện pháp giảm thiểu, hạn chế các hoạt động tập trung đông người trong và xung quanh khu vực di tích đã bị xuống cấp. Tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời điểm xuống cấp để sửa chữa, tránh tình trạng để lâu gây ảnh hưởng tới tổng thể kiến trúc các di tích; xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo đối với từng di tích; tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó trọng tâm cần chỉ đạo các nhà trường quan tâm giáo dục thế hệ trẻ về các di tích lịch sử địa phương và ý thực thượng tôn pháp luật, bảo vệ các di tích. Công tác xã hội hoá cũng cần được đẩy mạnh, huy động sức dân và tranh thủ các nguồn lực khác để trùng tu, tôn tạo và tu bổ các di tích lịch sử văn hoá; Các địa phương cũng cần nghiên cứu tổ chức các hoạt động văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp để khơi dậy các phong tục tập quán đặc sắc như lễ hội, các trò chơi dân gian,… từ đó thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần phát huy và nâng cao giá trị văn hoá các di tích lịch sử…
Đức Thuận