Một số biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi và các đối tượng thuỷ sản trong mưa lũ.
Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3-Yagi gây mưa lớn kéo dài làm ngập úng một số vùng trũng thấp trên địa bàn huyện. Theo dự báo, thời gian tới tiếp tục có mưa lớn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, để giảm thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra người dân cần thực hiện một số biện pháp sau:
Đối với ruộng lúa: Luôn bám sát đồng ruộng theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh của các đối tượng dịch hại có biện pháp phòng trừ kịp thời hiệu quả. Với những diện tích lúa thường xuyên bị ngập úng cần dựa vào khả năng phục hồi của cây để áp dụng kịp thời các biện pháp kỹ thuật.
Với các loại cây màu: Cần khẩn trương thu hoạch sản phẩm ở những ruộng gần đến thời gian thu hoạch hoặc tận thu ở những ruộng bị hại nặng bà con tháo nước khơi thông dòng chảy không thể nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ. Những chân ruộng bị ngập thời gian ngắn và cây rau còn nhỏ có khả năng phục hồi bà con cần phun thuốc phòng chống các bệnh nấm hại. Riêng những diện tích bị ảnh hưởng nặng không có khả năng cho thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đất để gieo trồng lại các loại rau ngắn ngày.
Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm: Cần khẩn chương sẻ rãnh ở mặt luống để thoát nước, sới phá váng để rễ cây được thông thoáng triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây.
Đối với vùng chăn nuôi: ở các vùng thấp dễ ảnh hưởng bởi mưa lũ cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm cũng như cơ sở hạ tầng chăn nuôi. Cần lưu ý thường xuyên kiểm tra, theo dõi thời tiết kiểm tra chuồng trại, điều kiện chăn nuôi và sức khỏe đàn vật nuôi để có phương án chăm sóc, hỗ trợ và di dời nếu cần thiết. Di dời đàn vật nuôi đến những nơi không úng ngập đảm bảo tuyệt đối tính mạng cho con người và sức khỏe của vật nuôi. Thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi nhất là đối với bệnh truyền nhiễm như: Tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… Khi nước rút đến đâu bà con dọn vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc diệt mầm bệnh đến đó. Đối với vật nuôi chết phương pháp hiệu quả nhất là đốt xác phun thuốc diệt côn trùng, thuốc sát trùng lẫn khi nước rút thì đem chôn lấp theo hướng dẫn.
Đối với thủy sản: đặc biệt ở những vùng dễ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ cần áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa và ứng phó để bảo vệ ao nuôi, nguồn nước và đàn thủy sản khỏi tác động của thiên tai cụ thể như sau: Chuẩn bị trước mùa mưa lũ cần kiểm tra và gia cố bờ ao, cống thoát nước, đê bao xung quanh ao nuôi để đảm bảo chúng đủ vững chắc để giúp chịu áp lực nước dâng cao. Lắp đặt hệ thống thoát nước hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng ngập úng cần có các cống thoát nước và nắp đậy, lưới chắn rác để ngăn ngừa thủy sản thoát ra ngoài khi mực nước ao tăng cao. Trước khi mùa mưa đến người nuôi cần làm sạch ao loại bỏ bùn cặn, xác thực vật thối rữa. Đồng thời kiểm tra chất lượng nước PH, độ kiểm để đảm bảo môi trường sống an toàn cho thủy sản. Ứng phó khi mưa lũ xảy ra: Nếu mưa lũ quá lớn mà có nguy cơ tràn bờ ao người nuôi cần lên kế hoạch di dời thủy sản đến các ao tạm thời hoặc khu vực an toàn hơn, để làm điều này cần chuẩn bị sẵn các thiết bị như lưới kéo, bể chứa di động để di chuyển thủy sản nhanh chóng. Khi có mưa lớn, nước mưa làm loãng nước ao nuôi ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường như: độ mặn, độ Ph do đó cần kiểm soát lượng nước mưa vào ao và sử dụng biện pháp để cân bằng lại môi trường nước như bổ sung vôi, muối hoặc các chế phẩm sinh học. Trong các trang trại thủy sản hệ thống điện thường được sử dụng để vận hành máy sục khí, máy bơm nước khi không mưa lũ cần kiểm tra và đảm bảo an toàn cho hệ thống điện tránh nguy cơ chập điện hoặc rò rỉ điện gây nguy hiểm.
Hà Ngọc Giang - Trạm Khuyến nông Lâm Thao