Là vùng đất cổ mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống, huyện Lâm Thao hiện có 134 di tích, trong đó có 20 di tích cấp Quốc gia, 35 di tích cấp tỉnh. Để xây dựng, phát huy giá trị văn hoá truyền thống vùng đất cổ, những năm qua, huyện Lâm Thao đã làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/HU, ngày 22/6/2023 về xây dựng, phát huy giá trị văn hoá, con người Lâm Thao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững (NQ). Mục tiêu chung của NQ là xây dựng hệ giá trị văn hoá, con người Lâm Thao trong hệ giá trị văn hoá con người Đất Tổ và hệ giá trị văn hoá, con người Việt Nam; khắc phục những hạn chế, bất cập, xây dựng, phát huy giá trị văn hoá, con người Lâm Thao đáp ứng yêu cầu bền vững.
Huyện Lâm Thao nhìn từ trên cao
Để NQ đi vào cuộc sống, 100% các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, huyện. Theo đó, năm 2023, toàn huyện có 98,26% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hoá, vượt 3,26% kế hoạch; 100% khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư văn hoá, vượt 10% so với kế hoạch; 100% xã, thị trấn giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 96% đám cưới, đám tang trở lên thực hiện nếp sống văn minh; 100% xã, thị trấn có nhà văn hoá kiêm hội trường...
Việc khôi phục và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá nhân loại làm phong phú, đa dạng nét văn hoá dân tộc được các địa phương quan tâm, qua đó các lễ hội được khôi phục, duy trì hoạt động, những hiện tượng mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu từng bước được xoá bỏ, 151/151 khu dân cư trong huyện duy trì, thực hiện có hiệu quả các quy ước, hương ước, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội.
Màn thi đấu mở đầu cho Lễ hội vật đuổi giải Đình Vĩnh Mộ, xã Cao Xá.
Là địa phương khôi phục và duy trì lễ hội truyền thống đầu Xuân của huyện, Hội vật đuổi giải Đình Vĩnh Mộ, xã Cao Xá là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo được khôi phục lại vào năm 2010 sau hơn 60 năm bị gián đoạn. Hội được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng tại Đình Vĩnh Mộ. Hội vật đuổi giải Đình Vĩnh Mộ có nét khác biệt với tất cả các hội vật trên cả nước, bởi sau khi nhận giải, còn có đuổi giải. Đuổi giải chính là nét đặc biệt làm cho Hội vật Vĩnh Mộ trở nên độc đáo. Theo đó, giải vật được treo ở trên cột cờ, đô vật giành chiến thắng phải trèo lên cột cờ giật lấy giải rồi chạy ra khỏi làng, đằng sau là dân làng đuổi theo, đến khi người đoạt giải chạy ra khỏi làng và nhảy xuống nước thì dân làng mới không đuổi nữa. Trong khi chạy, nếu người cầm giải quay đầu lại thì sẽ bị dân làng đánh đòn, vì cho rằng năm đó không may mắn. Đuổi giải xong là kết thúc hội vật. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì dân làng phấn khởi, nhà nhà ăn mừng vì tin rằng năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Đồng chí Nguyễn Tiến Tuyên - Bí thư Đảng uỷ xã Cao Xá cho biết: “Thực hiện NQ của Huyện uỷ Lâm Thao, xã Cao Xá tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hoá Đình Vĩnh Mộ, giữ gìn, bảo tồn lễ hội truyền thống, đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng đầy đủ những nội dung của lễ hội đồng thời tăng cường tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt NQ của Ban Chấp hành Huyện uỷ về xây dựng, phát huy giá trị văn hoá, con người Lâm Thao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã
Lễ hội rước Chúa gái, thị trấn Hùng Sơn
Lễ hội rước Vua về làng vui Xuân, xã Tiên Kiên
Theo báo cáo của Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Lâm Thao, trong tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024, các địa phương trong huyện tổ chức 15 lễ hội mùa Xuân, trong đó có nhiều lễ hội độc đáo như: Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã; lễ hội rước Vua về làng vui Xuân, xã Tiên Kiên; Lễ hội rước Chúa gái, thị trấn Hùng Sơn; Lễ hội vật đuổi giải làng Vĩnh Mộ, xã Cao Xá... Theo đồng chí Dương Hoàng Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao, việc tổ chức các lễ hội mùa Xuân được các địa phương chuẩn bị chu đáo, không chỉ phục dựng, bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống, việc tổ chức các lễ hội còn góp phần giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn cho thế hệ trẻ. Thời gian tới, Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NQ của Huyện uỷ về xây dựng, phát huy giá trị văn hoá, con người Lâm Thao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đi vào cuộc sống, có sức lan toả trong cộng đồng.
Nguồn bài viết: Báo Phú Thọ