Tăng cường triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và các biện pháp phòng tránh một số loại hình thiên tai năm 2025 trên địa bàn huyện.
Trong những năm gần đây, với sự tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn có những diễn biến phức tạp, bất thường, cực đoan và trái quy luật; đặc biệt trong năm 2024 do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và mưa lũ lịch sử, sự cố sập cầu Phong Châu đã xảy ra trên địa bàn huyện gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Để thực hiện tốt, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với các tình huống, phòng ngừa các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm ngay từ đầu năm 2025, giảm thiểu thiệt hại gây ra với phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, mới đây, Chủ tịch UBND huyện có văn bản yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, UBND các xã, thị trấn, Xí nghiệp Thủy nông Lâm Thao tập trung, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo ngay các biện pháp phòng tránh một số loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn ngay từ những tháng đầu năm 2025:
Tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai bằng nhiều hình thức; bảo đảm thông tin về thiên tai được phổ biến đến người dân tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai; củng cố, kiện toàn các đội xung kích phòng, chống thiên tai tại địa phương để chủ động ứng phó, khắc phục ảnh hưởng thiên tai ngay từ giờ đầu. Tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình hồ đập, đê điều, các công trình phòng chống thiên tai và có phương án sửa chữa, khắc phục kịp thời, đặc biệt là các công trình, khu vực bị sự cố sau các đợt mưa lũ năm 2024; tổ chức vận hành thử các hồ, đập, trạm bơm, cống tiêu, cửa van xả, thực hiện phát quang mái đê, đập; giải toả, thanh thải vật cản lấn chiếm lòng, bãi sông; nạo vét, khơi thông hệ thống kênh tiêu đảm bảo tiêu úng kịp thời.
Các địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ của mình kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai trên địa bàn quản lý; phổ biến rộng rãi đến từng đơn vị, từng khu dân cư và người dân trên địa bàn, trong đó lưu ý các biện pháp phòng tránh đối với một số loại hình thiên tai có thể sớm xảy ra trong năm 2025 như sau:
* Về phòng, tránh dông, lốc sét, mưa đá: Các tổ chức, cá nhân phải thường xuyên kiểm tra nhà cửa, kho tàng, công trình công cộng thuộc phạm vi quản lý, sử dụng, chủ động chằng chống gia cố, bằng lá, tôn, fibro xi măng, ngói phải có liên kết vì kèo với cột, tường chắc chắn, có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát... đảm bảo đủ sức chống khi có dông, lốc xảy ra; đối với các cây cao, dễ gãy đổ nằm gần nhà ở, lưới điện cần phải chặt bỏ, tỉa cành nhánh khi mưa kèm theo dông, sét mọi người ở trong nhà cần đóng kín cửa, ngắt các thiết bị điện (ti vi, máy giặt, tủ lạnh...); không mang theo người các vật dụng bằng kim loại. Người ở bên ngoài cần tìm nơi ẩn nấp, tránh những gốc cây cổ thụ, cột điện cao thế, đụn rơm, ăngten truyền hình, gần các vật kim loại; không chạm tay vào các vật ẩm ướt, vật dẫn điện; không đi dọc theo các bờ sông, bờ suối; không trú mưa ở những công trình, nhà cửa trơ trọi giữa cánh đồng; không sử dụng điện thoại, không dùng dây thép phơi áo quần và buộc vào cột thu lôi, cây cao; bỏ các vật dụng mang bên mình như cuốc, xẻng, cần câu...
* Về phòng tránh sạt lở đất: Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá, xác định cụ thể các khu dân cư, các hộ dân sinh sống ở ven sông, ven suối, chân mái ta luy, bờ, vở sông, khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn, những khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất; xây dựng phương án sơ tán các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có mưa lũ xảy ra, đồng thời có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản của nhân dân. Tăng cường phổ biến tuyên truyền và có biện pháp giám sát, hướng dẫn, hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực thường xảy ra sạt lở đất, khu vực nguy hiểm ven sông, đồi, đồng thời không xây dựng nhà ở, công trình ở bãi sông và khi có mưa lớn hoặc có cảnh báo mưa lớn các hộ gia đình sông ven sông, ven đồi phải chủ động sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn; nêu cao ý thức cộng đồng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi thiên tai xảy ra. Thường xuyên kiểm tra và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình công cộng trên địa bàn; cải tạo, nâng cấp các hồ, đập hiện có, đảm bảo an toàn khi chứa nước; tổ chức thanh thải, khơi thông dòng chảy ngòi tiêu, kênh mương trên địa bàn.
* Đối với các loại hình thiên tai khác như mưa lớn, ngập úng, lũ sông: luôn chủ động, sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ" để ứng phó với các tình huống khi có thiên tai xảy ra; đặc biệt lưu ý cần phải có biện pháp sơ tán, phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho người dân ở những khu vực nguy hiểm, những nơi tiềm ẩn rủi ro cao, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Các ngành, các cấp thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của nhân dân về hiện tượng, nguyên nhân, diễn biến, tác hại của các loại hình thiên tai trên tất cả các phương tiện truyền thông để người dân biết cách phòng tránh; đồng thời căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, triển khai các phương án phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra.
Cẩm Nhung (tổng hợp)