Thủ trưởng các sở, ngành giải trình nhiều nội dung quan trọng
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khoá XIX, trong phiên làm việc sáng 10/12, các đại biểu nghe giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành của tỉnh giải trình các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.
Mở đầu phần giải trình của thủ trưởng các sở, ngành, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Việt Dũng nhận được câu hỏi của cử tri liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh. Nêu lên những khó khăn, vướng mắc và thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế, Giám đốc Sở Công Thương đưa ra 7 giải pháp trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; đề nghị Cục Thuế tỉnh tăng cường phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không kê khai, nộp thuế theo quy định; Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường không gian mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến.
Giải trình liên quan đến lĩnh vực y tế tại nghị trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Huy Ngọc tập trung vào 2 vấn đề gồm: Cơ sở khám bệnh chữa bệnh (KBCB) ngoài công lập và quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng.
Về cơ sở KBCB ngoài công lập, đồng chí Nguyễn Huy Ngọc cho biết, mạng lưới KBCB ngoài công lập trên địa bàn tỉnh có 3 bệnh viện tư nhân là Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hùng Vương, BVĐK Việt Đức, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Phú Thọ; 327 phòng khám, 40 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 59 cơ sở dịch vụ y tế. Tổng số nhân lực hành nghề KBCB ngoài công lập trên địa bàn tỉnh hiện có 1.336 người; trong đó có 462 bác sỹ, 429 điều dưỡng, 132 kỹ thuật viên, 21 hộ sinh, 292 trình độ chuyên môn khác. Nhiều cơ sở KBCB ngoài công lập có cơ sở vật chất khá tốt, thầy thuốc có kiến thức, kinh nghiệm cả về chuyên môn, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn tại các cơ sở này. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động KBCB ngoài công lập cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế đưa ra một số giải pháp chủ yếu gồm: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về KBCB; đồng thời đẩy mạnh kiểm tra hậu kiểm đối với các cơ sở hành nghề đã được cấp GPHĐ; kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở không phép hoặc đã cấp phép nhưng không duy trì, không đảm bảo các điều kiện hành nghề. Đề nghị lãnh đạo chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hành nghề y dược tư nhân dưới nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung, của người hành nghề nói riêng; nêu cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, sự giám sát của người dân trong quản lý các cơ sở hành nghề KBCB tư nhân trên địa bàn.
Về nội dung quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện toàn tỉnh đang có 3.556 người bệnh tâm thần được quản lý; trong đó có 1.726 người bệnh tâm thần phân liệt, 1.355 người bệnh động kinh, 339 người bệnh trầm cảm, 136 người bệnh rối loạn tâm thần khác. Sau khi chỉ ra những khó khăn trong việc quản lý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế đưa ra một số giải pháp cụ thể, như: Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tập huấn về sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng, tăng cường hoạt động khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm, kịp thời đưa người mới mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh tâm thần đến cơ sở Y tế để được khám bệnh, chẩn đoán và điều trị theo phác đồ. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể trong việc quản lý, theo dõi điều trị và phục hồi chức năng, tái hoà nhập cộng đồng đối với người bệnh tâm thần. Cung cấp thuốc đầy đủ và hướng dẫn gia đình tạo điều kiện cho người bệnh có việc làm, được tham gia các hoạt động chung nhằm tái hòa nhập với cộng đồng, song vẫn cần theo dõi sát để đảm bảo an toàn xã hội.
Nhận được câu hỏi đề nghị giải trình về tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nợ đọng thuế kéo dài, cũng như đưa ra biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế, Cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Huy Hồng cho biết, thời gian qua, Cục Thuế đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để thu hồi nợ thuế như cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn, cưỡng chế thu qua bên thứ 3 thông qua các DN thứ cấp thuê lại đất; tạm hoãn xuất cảnh; nộp đơn ra Tòa án yêu cầu mở thủ tục phá sản... Tính đến thời điểm hiện tại, theo danh sách công khai Cục Thuế đã thu hồi được là trên 120 tỷ đồng nợ thuế, trong đó có 175 DN nộp hết tiền thuế nợ.
Thời gian tới, đối với các trường hợp cố tình trây ỳ, nợ thuế kéo dài, Cục trưởng Cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa những biện pháp trên. Bên cạnh đó, phối hợp với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn rà soát tất cả tài khoản của DN mở tại các ngân hàng để trích tiền và phong tỏa tất cả tài khoản, chuyển biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn nếu biện pháp cưỡng chế tài khoản không có hiệu quả. Đặc biệt, đối với DN nợ lớn kéo dài, sản xuất kinh doanh thua lỗ, không có khả năng phục hồi, Cục Thuế sẽ ban hành văn bản đề nghị Sở KHĐT thu hồi Giấy Chứng nhận điều kiện kinh doanh. Đối với các DN có các khoản nợ tiền thuê đất và tiền sử dụng đất lớn, kéo dài, Cục Thuế sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan thực hiện trình tự thu hồi đất, dự án theo quy định.
Giải trình về vấn đề người có công trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Thu Hương đã chỉ ra nguyên nhân chậm muộn trong chi trả trợ cấp theo quy định mới là do Bộ LĐTBXH chưa giao dự toán kinh phí bổ sung. Bên cạnh việc kịp thời thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng thời gian qua, thời gian tới, Sở sẽ sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ LĐTBXH sớm cấp bổ sung dự toán kinh phí để chi trả. Phối hợp với các Sở ngành liên quan dự thảo các Quyết định giao dự toán kinh phí bổ sung, các văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện chi trả nhanh chóng, kịp thời khi đủ điều kiện.
Giám đốc Sở LĐTBXH cũng đề cập đến việc triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn các huyện, thành, thị năm 2025 và công tác rà soát, xác định các đối tượng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để hỗ trợ. Sau khi tiến hành rà soát, xác định đối tượng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để hỗ trợ gồm 199 hộ thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN; 2.725 hộ thuộc đối tượng người có công; 3.017 hộ thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cùng các sở, ngành và các huyện, thành, thị tiếp tục rà soát và triển khai thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn theo kế hoạch.
Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Đức Thịnh báo cáo, giải trình về nội dung giao biên chế hành chính cấp huyện không đồng nhất giữa số lượng và điều kiện tự nhiên, diện tích, dân số cũng như đưa ra các nguyên tắc để căn cứ và phân bổ. Cụ thể, việc giao biên chế hành chính cho các đơn vị hành chính nói chung và cấp huyện nói riêng được tính trên cơ sở số lượng biên chế hành chính được giao của các cơ quan, đơn vị có tính kế thừa từ giai đoạn 2015-2021 và lộ trình thực hiện Kế hoạch tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị đến năm 2026, đảm bảo tinh giản ít nhất 5% biên chế công chức theo chỉ tiêu tinh giản biên chế của cả tỉnh. Đến nay đã có một số đơn vị thực hiện đạt chỉ tiêu đến năm 2026. Ngoài ra việc giao biên chế như vậy thì đến năm 2026, số lượng biên chế hành chính của các cơ quan, đơn vị sẽ đảm bảo tương đối thống nhất, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao của từng cơ quan, đơn vị.
Theo Báo Phú Thọ