Truyền thống vẻ vang của Nhà giáo Việt Nam - Niềm tin cho chặng đường giáo dục mới.
Dân tộc ta từ lâu vốn có truyền thống tốt đẹp: Tôn sư trọng đạo, Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Chủ tịch Hồ Chí Minh- Người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam cũng đã khẳng định: …Không có thầy giáo thì không có giáo dục…. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang… và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Có thể cao quý nhất, sáng tạo nhất ở đây vì đối tượng mà thầy cô giáo tác động, sản phẩm mà thầy cô giáo làm ra là CON NGƯỜI- Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.



Các đồng chí lãnh đạo huyện tặng hoa chúc mừng các nhà trường nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Trải qua 40 năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam, bánh xe thời gian cứ lặng lẽ quay, cùng với cả nước, nhiều thế hệ cô, thầy trên địa bàn huyện Lâm Thao đã và đang miệt mài bao đêm bên trang giáo án để chèo lái con đò tri thức chở đàn em thân yêu cập bến bờ hạnh phúc.
Ngược thời gian về những ngày gian khó của ngành giáo dục cả nước nói chung và huyện Lâm Thao nói riêng cách đây 40 năm mới cảm nhận hết những đổi thay về cơ sở hạ tầng cùng bao nghị lực vượt khó bám lớp, bám trường của nhiều thế hệ thầy cô giáo trên địa bàn huyện Lâm Thao để gieo chữ, phục vụ sự nghiệp “trồng người”.
Ngày nay, tuy còn nhiều khó khăn, song hệ thống Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Thao đã phát triển rộng khắp và thực hiện cải cách, thống nhất theo hệ thống giáo dục quốc dân. Quy mô, mạng lưới trường, lớp các cấp học, ngành học được củng cố và phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập ngày càng cao của Nhân dân. Toàn huyện hiện có 53 cơ sở giáo dục, với trên 30.000 học sinh, sinh viên, trẻ mầm non, trong đó có 47 Trường Mầm non, Tiểu học, THCS, 03 Trường THPT, 01 Trung tâm GDNN-GDTX và 02 Trường Đại học, Cao đẳng. Cơ sở vật chất trường, lớp và thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới giáo dục, xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục.

Hàng năm, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện, Phòng GD và ĐT huyện đã tích cực tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đề án kiên cố hoá trường lớp học; tích cực tham mưu, phối hợp, xã hội hoá huy động các nguồn lực đầu tư, lồng ghép kinh phí các chương trình mục tiêu, dự án, ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, 100% số trường học do huyện quản lý đạt chuẩn quốc gia, trong đó có trên 50% đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.


Cơ sở vật chất, nhà lớp học trường Tiểu học Cao Xá được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng, cơ bản được bố trí đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu bộ môn. Đặc biệt ưu tiên bố trí đủ giáo viên thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Hiện, toàn huyện có gần 2.000 cán bộ, giáo viên, cơ bản đảm bảo số lượng giáo viên giảng dạy tại các cấp học. Trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn của cán bộ quản lý, giáo viên các bậc học trên địa bàn huyện đạt gần 94%, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được chú trọng, phát triển rộng khắp. Công tác phổ cập giáo dục các cấp học được quan tâm, chỉ đạo, duy trì vững chắc, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Lâm Thao là huyện sớm hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3, Xóa mù chữ mức độ 2.
Chất lượng và hiệu quả giáo dục tiếp tục được duy trì, ổn định và từng bước nâng lên theo hướng thực chất và bền vững. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân trên 99%. Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH luôn xếp thứ hạng cao, nằm trong top đầu của tỉnh; Học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt huyện Lâm Thao được đánh giá có số lượng HSG quốc tế nhiều nhất tỉnh Phú Thọ, điển hình là em Nguyễn Ngọc Trung đạt Huy chương Vàng Toán học Quốc tế, em Nguyễn Thị Thu Nga huy chương Bạc môn Sinh học Quốc tế…


Công tác giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu được chú trọng. Năm học 2021-2022, toàn huyện có gần 1.300 học sinh tham gia học sinh giỏi cấp huyện, trong đó có trên 900 giải các loại; trên 100 học sinh tham gia học sinh giỏi cấp tỉnh và đã có 85 em đạt giải. Kết quả thi vào lớp 10 THPT, điểm thi trung bình của học sinh Lâm Thao đạt 6,63 điểm, cao nhất trong tỉnh.
Công tác giáo dục Trung học phổ thông, định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo, các Trường học, Trung tâm trên địa bàn huyện quan tâm, nhất là đối với học sinh lớp 12. Chính vì thế, những năm gần đây, Trung tâm GDNN-GDTX, các Trường THPT trên địa bàn đã bố trí đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn để tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Cùng với đó, các nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi thi thử để phân luồng học sinh và xây dựng kế hoạch học tập phù hợp. Qua đó, giúp học sinh xác định được động cơ, thái độ học tập và rèn luyện, hiểu được yêu cầu và xu thế phát triển của nguồn nhân lực trong tương lai.
Thời gian qua, ngành GD và ĐT đã tổ chức phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của ngành, như: Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo…gắn với các hoạt động đổi mới giáo dục. Thông qua các phong trào thi đua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều gương nhà giáo điển hình như các Nhà giáo ưu tú: Hoàng Thị Cảnh, Hoàng Thị Chúc, Đinh Văn Sa, Lê Quang Vinh, Nguyễn Minh Sang…. Đó là các tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua “Hai tốt”, trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự học, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nghiên cứu khoa học, đổi mới công tác quản lý. Nhiều nhà giáo không chỉ là những tấm gương tận tuỵ, trách nhiệm trong công việc mà còn là điển hình về tinh thần vượt khó, gắn bó, tâm huyết với nghề; tích cực tìm tòi, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, thắp lửa nhiệt tình, đam mê trong các thế hệ học trò.



Lớp học thông minh tại Trường THCS Cao Mại
Phát huy truyền thống của Nhà giáo Việt Nam, của các thế hệ nhà giáo Lâm Thao, trong thời gian tới, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới, căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với phương châm “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, để mỗi nhà giáo thực sự xứng đáng với danh hiệu “những chiến sỹ trên mặt trận văn hoá”; làm tròn sứ mệnh thiêng liêng, cao quý, trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó: hành trình gieo chữ và sự nghiệp “trồng người” vì lợi ích trăm năm.
Nhìn lại truyền thống vẻ vang của ngành Giáo dục và Đào tạo hôm nay để chúng ta thêm hiểu rằng, xây dựng và đào tạo con người là yếu tố quan trọng và càng thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu; chúng ta thêm tự hào, thêm niềm tin cho chặng đường giáo dục mới; để càng trân quý và biết ơn những đóng góp của các thế hệ Nhà giáo lão thành, Nhà giáo Ưu tú, các Nhà giáo tiêu biểu, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, cùng lớp lớp thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên trong toàn ngành đã và đang viết nên bảng vàng thành tích ngành giáo dục hôm nay để xứng đáng với quê hương Đất lúa- Đất văn.
Cẩm Nhung- Đức Thuận- Minh Xuân