Chùa Quan Mạc- Xã Tiên Kiên (Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002).
Chùa Quan Mạc (tên chữ: Quan Mạc tự) thuộc xóm Mua, xã Tiên Kiên. Ngôi chùa được xây dựng quay hướng Đông Nam, ở vị trí cách xa khu dân cư trên một địa thế đẹp, yên tĩnh, mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 2 tòa: Bái đường và Chính điện, bộ khung kết cấu BTCT, phía trước có mái đao, phía sau xây tường thu hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài phục chế, hệ vì mái được làm theo hình thức thượng giá chiêng - hạ kẻ, chân tảng kê cột bằng đá xanh. Tòa Bái đường hệ mái chồng diêm 2 tầng, 8 mái, đao cong. Trong chùa bài trí hệ thống tượng thờ, tiêu biểu các pho tượng có giá trị nghệ thuật tạo tác tượng tròn đầu thế kỷ XIX, đó là: Tượng Quan Âm tống tử, A Di đà.
Đặc biệt, cổ vật Bia đá “Quan Mạc tự bi” hình chữ nhật đặt trên bệ rùa có niên đại tạo tác vào thời Lê, triều vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa ngũ niên (tức Chính Hòa năm thứ 5 - năm 1684), là cơ sở để xác định niên đại xây dựng chùa Quan Mạc ít nhất cũng vào cuối thế kỷ XVII. Trải qua thời gian lịch sử, ngôi chùa hư hỏng nặng, được trùng tu vào các năm 1998, 2007 và lần đại trùng tu năm 2014 với kiểu dáng kiến trúc hiện trạng. Đồng thời, nội dung văn bia khắc bằng chữ Hán, mặt trước ghi lại việc công đức, lớn nhỏ trên dưới, trùm trưởng, quan viên hai xã: Lục Giã, Tiên Cương huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao; mặt sau bia, phía trên trán bia chạm hình chim phượng chầu mặt nguyệt, nội dung chữ hán được lược dịch như sau: “Thượng hạ đẳng, trùm trưởng, quan viên hai xã Lục Giã, Tiên Cương, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao. Do chùa Quan Mạc là Thạch tích danh lam, dân sinh cầu nguyện linh ứng, bèn hưng công để làm thượng điện, đốt hương tiền đường...”. Ngoài cổ vật bia đá, chùa Quan Mạc còn lưu giữ được nhiều di vật khác như: Ống hoa, mâm ấu, đài nước, nến phao, bát đĩa cổ...
Nguồn sưu tập: Kỷ yếu Di tích lịch sử văn hóa Lễ hội truyền thống tiêu biểu huyện Lâm Thao năm 2019.