Từ đường Họ Nguyễn Tam Sơn- Xã Xuân Lũng (di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 1999).
Từ đường họ Nguyễn Tam Sơn (trong nhân dân còn gọi Nhà thờ họ Nguyễn Tam Sơn), được xây dựng ở xóm Nội, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Từ đường họ Nguyễn Tam Sơn thờ các vị tổ của dòng họ Nguyễn ở Xuân Lũng. Gọi là họ Nguyễn Tam Sơn vì cụ tổ làm quan dưới triều Lê, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước nên được triều đình nhà Lê ban tặng cho ba ngọn đồi ở quê làm đất thế nghiệp. Vì vậy, dòng họ thường được quen gọi là họ Nguyễn Tam Sơn hoặc gọi tắt là họ Tam Sơn. Ngoài ra, dòng họ còn được nhiều người gọi bằng cái tên đầy kính trọng là họ “Tam Sơn tiết nghĩa” vì trong dòng họ này có Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc quên mình tử tiết vì vua Lê, được lập đền thờ “Bảng nhãn tiết nghĩa từ” cũng tại xã Xuân Lũng. Từ đường thờ vị Tổ của dòng họ Tam Sơn tại Xuân Lũng là Nguyễn Doãn Cung, một nhà khoa bảng lớn thời Lê Sơ. Theo “Trùng thuyên bi ký” tại xã Xuân Lũng và gia phả dòng họ Tam Sơn thì Nguyễn Doãn Cung sống vào khoảng giữa thế kỷ XV, dưới triều Lê Sơn. Trong khoa thi năm Kỷ Sửu (1469) dười triều vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận thứ 10, Nguyễn Doãn Cung đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm 37 tuổi. Ông cũng từng được nhà vua cử sang sứ nhà Minh, thăng đến chức Tả thị lang.
Theo gia phả dòng họ Nguyễn Tam Sơn thì quan tả thị lang Bộ Lại Nguyễn Doãn Cung về nghỉ tháng 11 năm Tân Dậu (1510), được vua ban cho 8 chữ vàng “Đặc Tiến Kim Tứ Vinh Lộc Đại Thu” và 3 khu rừng ở quê làm đất thế nghiệp là rừng Thính, rừng Lăng và rừng Chặng. Từ đó dòng họ này được gọi là họ Tam Sơn. Trong thời gian nghỉ ở quê hương, Nguyễn Doãn Cung luôn truyền bá văn hóa và còn là ông tổ của nghề ép dầu dọc ở làng Dòng, nghề này còn tồn tại cho mãi đến đầu thế kỷ XX mới bị mai một. Ông cũng có công trong việc khai khẩn phát nương phá dẫy. Nhân dân yêu mến gọi ông là quan Nghè hay quan Tả lại. Nguyễn Doãn Cung mất vào ngày 12/5 âm lịch, được coi là ngày giỗ hàng năm, mộ táng tại rừng Lăng.
Nguyễn Doãn Cung sinh được 4 người con: Con trai cả là Nguyễn Thừa Thôi, đậu cử nhân và làm quan Tri phủ. Con trai thứ là Nguyễn Thừa Bật, đậu cử nhân và vào học trường Quốc Tử Giám nhưng vì có loạn nhà Mạc nên không thi tiến sĩ mà về làng Dòng dạy học. Ông còn là tác giả của hai văn bia về việc trùng tu chùa và gác chuông chùa Phổ Quang. Con trai thứ 3 là Nguyễn Mẫn Đốc (1492 - 1522), đậu Cử nhân, dự kỳ thi Hội năm Mậu dần 1518, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ hàng thứ 2 (Bảng nhãn), làm quan tới chức Thị thư Viện Hàn lâm, nhân dân quen gọi là ông Bảng Dòng. Khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi vua Lê, Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc cùng Trạng nguyên Vũ Duệ thì theo vua vào Thanh Hóa. Trong một cuộc giao tranh với quân Mạc, biết không thể thóat, Nguyễn Mẫn Đốc cùng Vũ Duệ đã bái lậy về lăng Thái tổ rổi tử tiết. Sau này ông được phong làm Thượng đẳng thần và được lập đền thờ “Bảng nhãn tiết nghĩa từ” tại quê nhà. Con gái thứ 4 lấy Nguyễn Hãng đỗ hương tiến đời Hồng Thuận, học trường Quốc Tử Giám nhưng không thi Hội, là một văn sĩ có tài thơ nổi tiếng lúc bấy giờ, hiệu là Lại Hiên và được nhà Lê phong cho 4 chữ “Thảo Mao Dật Sĩ”, hiện có đền thờ tại Xuân Lũng là “Dật sĩ từ”.
Được phục hồi năm 1997, tu bổ năm 2016, từ đường họ Nguyễn Tam Sơn kiến trúc kiểu chữ Nhất (-), 1 tòa, 3 gian, kiểu nhà 2 mái, tường hồi bít đốc, kết cấu bộ khung BTCT, bộ vì nóc kiểu ”Thượng giá chiêng - hạ kẻ, mặt chính diện tạo 3 khuôn cửa bức bàn kiểu ván huỳnh hai mặt, phía ngoài tạo trụ hiểu đắp trát các họa tiết, phù điêu truyền thống. Hai đầu hồi làm cửa sổ chữ Phúc hình chữ nhật, nan và con kê bằng BTCT. Bờ nóc hai đầu kìm đắp vân xoắn, chính giữa đắp cuốn thư, trên đắp chữ Hán “Tam Sơn Nguyễn tộc”. Đòn tay, rui, diềm mái làm bằng gỗ xoan đào, mái lợp ngói mũi truyền thống. Di tích Từ đường họ Nguyễn Tam Sơn còn lưu giữ một số cổ vật có giá trị về kỹ, mỹ thuật cổ mang phong cách chạm khắc thế kỷ XIX như: Ngai thờ, sập thờ, câu đối, đại tự, lư hương gốm sứ, tài liệu chữ Hán...
Nguồn sưu tập: Kỷ yếu Di tích lịch sử văn hóa Lễ hội truyền thống tiêu biểu huyện Lâm Thao năm 2019.