Đền Giếng Giá, xã Sơn Vi thờ Đại Hải Công là nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ thời Hùng Vương dựng nước. Trước cửa đền Giếng Giá hiện có giếng cổ "Thiên tạo" nước trong xanh quanh năm không cạn, được xây dựng công phu với tang giếng hình bát giác được ghép bằng các phiến đá xanh, lòng giếng kè đá ong, đáy giếng lát gỗ lim. Cổng đền Giếng Giá kiểu cửa vòm, tạo trụ biểu đỉnh đắp hình nghê chầu, hai bên cổng đắp phù điêu võ sỹ.

Đền Giếng Giá được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVII, quay hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ Nhị, gồm 2 tòa: Tiền tế và Hậu cung. Hiện nay, đền Giếng Giá chỉ còn tòa Hậu cung 5 gian, kiểu nhà 2 mái, tường hồi bít đốc, từ xa nhìn lại như con thuyền úp ngược, hai mái ngói cong trũng vào giữa, hai đầu đốc nhô cao bởi hai đầu kìm uốn cong. Bộ khung kết cấu gỗ có 5 hàng chân cột, bộ vì nóc kiểu "Thượng giá chiêng, chồng rường - hạ kẻ", cột - xà - kẻ liên kết ăn mộng với nhau tạo thành bộ khung vững chãi, mái lợp ngói mũi thời Lê, bờ chảy đắp con sô, 3 gian giữa xây tường ngăn cách làm cung cấm thâm nghiêm, kín đáo nơi thần ngự, trần lát ván bằng gỗ lim. Đặc biệt, đền Giếng Giá sử dụng kỹ thuật truyền thống để liên kết các vật liệu tạo dựng ngôi đền cổ, đó là: Gạch bìa, vôi, gio, muối. Về nghệ thuật trang trí kiến trúc ở đền Giếng Giá chủ yếu thể hiện bằng kỹ thuật chạm nổi trên các đầu kẻ, dép hoành với họa tiết đao mác, mây cụm.
Cùng với kiến trúc cổ, đền Giếng Giá hiện lưu giữ được hệ thống cổ vật phong phú, tiêu biểu: Cổ vật chất liệu giấy (ngọc phả, 14 đạo sắc phong thờ chung với đình Do Nghĩa); chất liệu gỗ (Ngai thờ có tượng Đại Hải Công, kiệu bát cống, chấp kích..); chất liệu đồng (lư hương, chiêng, nến phao); chất liệu đá (bia đá "Khung cái hạ mã"). Các kỳ tiệc lệ ở đền Giếng Giá: Mùng 7 tháng Giêng, ngày sinh thánh, lễ dùng lợn đen, rượu cái, xôi; mùng 10 tháng Bảy là ngày lễ hạ, lễ dùng lợn đen, rượu cái, xôi; 15 tháng Tám là ngày thánh hóa, lễ dùng tam sinh, rượu, xôi; ngày 16 tháng Tám là ngày quốc tế, lễ dùng tam sinh và mùng 10 tháng Mười là ngày lễ khắc mộc tượng, lễ dùng lợn đen, rượu, xôi.
(Nguồn sưu tập: Kỷ yếu Di tích lịch sử văn hóa Lễ hội truyền thống tiêu biểu huyện Lâm Thao năm 2019)