Đền Xa Lộc (trong nhân dân còn gọi là đền Đô Thống hay đền Quốc Tế) được xây dựng trên một quả gò, xung quanh là đồng lúa và khu dân cư trù phú. Đền được xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa cấp Quốc gia năm 1993.
Đền Xa Lộc nhìn về hướng Nam, có nhiều cây cổ thụ, tỏa bóng mát làm tăng thêm vẻ thâm niên cổ kính. Ngôi đền được xây dựng vào thời Lê, trải qua chiến tranh và thiên nhiên, phần kiến trúc thời Lê chỉ còn lại tòa Hậu cung. Năm 1991, nhân dân địa phương đã tu sửa lại tòa Tiền tế.
Đền Xa Lộc thờ Lân Hổ hầu, một danh tướng thời Trần đã có công trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Tương truyền Lân Hổ có sức khỏe phi thường có tài nhấc vạc, mình cao 1 trượng. Ông được vua Trần giao trọng trách trấn giữ thành Gia Ninh (vùng ngã ba Bạch Hạc bây giờ). Lân Hổ đã cho xây dựng một phòng tuyến từ ngã ba Bạch Hạc đến thành Tam Giang (nay thuộc thôn Dục Mỹ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao). Năm 1258, quân Nguyên xâm lược nước ta, ông đã phối hợp với một đạo quân của vua Trần Thái Tông làm nên chiến thắng Bình Lê Nguyên. Ông được vua Trần ban cho tước hầu nên gọi là Lân Hổ hầu và ban cho 8 chữ “Nam thiên tráng khí, Bắc khấu hàn tâm” (nghĩa là: Khí mạnh trời Nam, giặc Bắc kinh hồn). Năm 1285, quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2, ông đã chỉ huy trận chiến ở Dục Mỹ (làng Dục Mỹ, xã Cao Xá, huyên Lâm Thao ngày nay) và đã anh dũng hy sinh.
Đền Xa Lộc hiện có kiến trúc kiểu chữ Nhị (=) gồm hai tòa: Tiền tế và Hậu cung. Tòa Tiền tế 3 gian, xungg quanh xây tường gạch, bộ vì quá giang gối tường, phía trước gian giữa có một cửa hình vòm cuốn, ở hai đầu hồi nối liền giáp hè xây hai cột đồng trụ, trên đắp nghê chầu, mặt tường ngoài hai gian bên đắp nổi hình hai con ngựa chiến. Tòa Hậu cung 3 gian, xung quanh xây tường, phía trước có 3 khuôn cửa , tổng số 20 cột gỗ, các vì kèo làm theo kiểu “Thượng chồng rường - hạ bẩy”, cột và các vì kèo được đóng bén, bào trơn, gia cố mực thước chính xác. Có 4 đầu bẩy chạm nổi hình đao mác, hoa lá và ô phía trên cửa giữa có đục chạm Lưỡng long chầu nguyệt.
Trong đền Xa Lộc hiện nay còn lưu giữ một số cổ vật, như: Long ngai, Bài vị, nồi hương, giá chúc, quán tẩy… có giá trị nghệ thuật dân gian thế kỷ XVIII - XIX.
* Cầu Xa Lộc (di tích liên quan): Cách đền Xa Lộc khoảng 100m, cầu Xa Lộc là dấu tích lịch sử ghi dấu chiến công của nghĩa quân Lam Sơn đã được ghi chép trong tài liệu “Đại Việt sử ký toàn thư” : “…ngày 20, viên đô ty Vương An Lão ở Vân Nam của nhà Minh đem hơn một vạn viện binh đến cầu Xa Lộc Tam Giang. Bọn Phạm Văn Xảo, Lê Khả đón đánh phá tan giặc, chém hơn 1000 thủ cấp, giặc chết đuối rất nhiều, quân giặc còn sót chạy vào thành Tam Giang…”. Cầu Xa Lộc xưa kết cấu kiểu “Thượng gia hạ bì” (trên nhà dưới cầu), dài khoảng 30m, rộng 2m. Tuy nhiên, hiện nay cầu Xa Lộc không còn. Theo tài liệu khảo sát của Ty Văn hóa Phú Thọ năm 1973 thì hệ thống mố cầu vẫn còn, đó là những trụ cột bằng gỗ lim, ở mỗi trụ được làm theo lối một cột to ở giữa và 4 cột nhỏ ở 4 bên thành một hệ thống, khoảng cách giữa hai mố cầu là 2m. Hiện nay cầu Xa Lộc đã được nhân dân xây dựng lại bằng xi măng.
Đền Xa Lộc, cầu Xa Lộc cùng lăng Dục Mỹ, thành Tam Giang góp phần tạo nên một hệ thống các di tích và địa điểm lịch sử văn hóa có giá trị giáo dục truyền thống trên quê hương đất Tổ.
Nguồn sưu tập: Kỷ yếu Di tích lịch sử văn hóa Lễ hội truyền thống tiêu biểu huyện Lâm Thao năm 2019.